Cô giáo Đỗ Thị Cẩm Vinh được Bộ LĐ-TB-XH tặng bằng khen và vinh danh nhân kỷ niệm ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10/2022
Cả nước có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với hơn 83.000 nhà giáo đang giảng dạy, trải qua những tiêu chí gắt gao, Bộ LĐ-TB-XH chọn 54 nhà giáo để vinh danh. Cô giáo Đỗ Thị Cẩm Vinh, Khoa May - Thiết kế thời trang (Trường cao đẳng Nghề Phú Yên) là giáo viên duy nhất của Phú Yên được vinh dự này.
Sự kiện vinh danh nhà giáo, tuyên dương học sinh, sinh viên các trường nghề lần đầu tiên được Bộ LĐ-TB-XH tổ chức nhân kỷ niệm ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10) nhằm khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy; tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời, nâng cao kỹ năng trình độ và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, tay nghề cao.
Từ bỏ nhiều cơ hội
Đỗ Thị Cẩm Vinh sinh ra và lớn lên ở xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), học đại học ở TP Hồ Chí Minh và Phú Yên là quê hương thứ hai cùng gia đình nhỏ.
Từ nhỏ, Cẩm Vinh đã ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo. Khi vào đại học sư phạm kỹ thuật chuyên ngành May và thiết kế thời trang, Cẩm Vinh vẫn luôn giữ lửa ước mơ của mình bằng nghề gia sư, cũng là cách kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống của sinh viên xa quê.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư Công nghệ may, Cẩm Vinh được các công ty nước ngoài chuyên về may mặc chào đón. Cẩm Vinh nhớ lại: “Ra trường, tôi được một công ty Hàn Quốc chuyên về may mặc nhận ngay với mức lương và các đãi ngộ hấp dẫn. Làm việc ở đây được 4 năm (từ năm 2006-2010), tiền lương vừa đảm bảo cuộc sống ở TP Hồ Chí Minh vừa đủ để tôi học cao học”.
Làm việc cho một công ty may mặc thời trang nước ngoài, đúng chuyên môn, có nhiều cơ hội lập thân, lập nghiệp mở công ty riêng như nhiều người trẻ vẫn làm, nhưng Cẩm Vinh vẫn không nguôi ước mơ trở thành cô giáo. Vậy là cô kỹ sư sinh năm 1983 quyết định vừa làm vừa học thạc sĩ Giáo dục học. Đây chính là bước ngoặt đầu tiên dẫn dắt và neo giữ Đỗ Thị Cẩm Vinh đến với trường dạy nghề.
|
Cô giáo Cẩm Vinh trong một giờ hướng dẫn học sinh thực hành ở Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Giỏi chuyên môn, tích cực với các hoạt động
Sau khi hoàn thành chương trình cao học, người con đất Quảng Đỗ Thị Cẩm Vinh về quê chồng định cư và gắn bó với Trường cao đẳng Nghề Phú Yên từ năm 2011.
Được công tác trong môi trường giáo dục nghề nghiệp đúng với nguyện vọng, sở trường, Cẩm Vinh dồn cả tâm sức của mình cho nhiệm vụ chuyên môn. Những kinh nghiệm trong thời gian làm việc ở công ty nước ngoài, những kiến thức được cô vận dụng xây dựng các mô-đun, học phần cho các lớp. Đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, tỉ lệ lý thuyết và thực hành rất xa, 2/3 thời gian dành cho thực hành, giáo viên đứng lớp phải thị phạm, làm mẫu tất cả các công đoạn từ thiết kế mẫu trên máy tính, ra rập, may hoàn thiện sản phẩm… Mỗi môn học, một phần thực hành, cô giáo Cẩm Vinh phải tự thực hành trước khi lên lớp.
Một khó khăn mà các giáo viên trường nghề đều thấu trải, đó là trình độ và nhận thức về mục đích học nghề chưa cao vì hầu hết học viên ở tuổi vị thành niên (hết lớp 9), ăn chưa no, lo chưa tới, vẫn còn ham chơi, nghịch ngợm. Bởi vậy, với giáo viên trường nghề, ngoài dạy nghề, các thầy cô giáo phải đảm trách công tác chủ nhiệm lớp. Ngoài theo dõi, nhắc nhở các em chuyên cần học nghề và học văn hóa, giáo viên còn theo dõi nề nếp sinh hoạt ở ký túc xá, việc chơi, việc làm của các em ở bên ngoài nhà trường để thông báo, phối hợp với phụ huynh kịp thời uốn nắn, giải quyết. “Tôi về trường năm 2011 và được phân công ngay công tác chủ nhiệm. Mọi việc không như mình tưởng tượng. Chủ nhiệm lớp cứ như chăm con mọn, hôm nay giải quyết việc này, ngày mai lại phát sinh việc khác, rất áp lực, nhất là khi phải thông báo với phụ huynh phối hợp dạy bảo các em chưa ngoan”, cô Cẩm Vinh chia sẻ.
Nói về người đồng nghiệp trẻ Cẩm Vinh, cô Phan Thị Diệu, Tổ trưởng Khoa May - Thiết kế thời trang, bày tỏ sự mến thương, nể phục. “Cẩm Vinh nhiệt huyết, giỏi chuyên môn, tích cực với các hoạt động, chương trình do nhà trường, khoa phát động, nhất là các hoạt động thiện nguyện. Hàng năm, Cẩm Vinh chăm chỉ làm sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy tại trường; là người đại diện cho khoa, cho trường tham gia các cuộc thi, hội giảng và đạt giải cao”, cô Diệu nói.
Nếu được lựa chọn lại…
“Dẫu có nhiều vất vả trong công việc của một cô giáo trường nghề, nhưng khi đã dành trọn tâm huyết, tình cảm thì mình sẽ vượt qua”, cô Cẩm Vinh tâm niệm. Chính nhờ ngọn lửa yêu nghề, nhiệt huyết ấy đã giúp cô đạt được những mùa quả ngọt. Các môn học, các lớp do cô Cẩm Vinh chủ nhiệm, cuối năm tỉ lệ học sinh, sinh viên khá giỏi, hạnh kiểm tốt, xuất sắc luôn rất cao. Nhiều học trò của cô Cẩm Vinh ra trường vững tay nghề tự mở tiệm may, cửa hàng thời trang hoặc trở thành công nhân lành nghề. Em Võ Thị Kim Yến (phường 8, TP Tuy Hòa), gia cảnh khó khăn phải học nghề sớm để giúp đỡ mẹ. Sau 2 năm (2018), Kim Yến lấy được bằng trung cấp nghề, đồng thời thi đỗ tốt nghiệp THPT, hiện nay em đã tự lập được cuộc sống.
Được đồng nghiệp quý mến, lãnh đạo đơn vị quan tâm tạo điều kiện trong công tác, đảng viên trẻ Đỗ Thị Cẩm Vinh luôn ý thức mình càng phải phấn đấu, học tập nâng cao trình độ, tay nghề, rèn luyện đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhất sứ mệnh của một cô giáo trường nghề. “Không như sinh viên các trường đại học, cao đẳng khác, các em học sinh trường nghề có đặc thù riêng. Khi gần gũi, tìm hiểu từng hoàn cảnh mới thấy em nào cũng đáng thương, khó khăn cả vật chất cũng như thiệt thòi về tinh thần. Điều đó làm cho tôi trăn trở và luôn tâm niệm phải cố gắng dạy cho các em thành nghề, nên người. Dẫu có vất vả, đồng lương khiêm tốn, nhưng nếu cho chọn lựa lại, tôi vẫn chọn làm giáo viên trường nghề, vì đó là sự đam mê, niềm tự hào”, cô Cẩm Vinh bộc bạch.
TS Đặng Văn Lái, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên nhận xét: Trong công tác giảng dạy cô Cẩm Vinh phát huy tính tích cực, hứng thú trong học tập của học sinh; say mê trong công việc, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, thiết kế bài giảng khoa học, sử dụng đồ dùng dạy học và tự làm đồ dùng dạy học nâng cao chất lượng giảng dạy. Cô giáo Cẩm Vinh cũng là nhân tố tích cực của nhà trường tham gia có hiệu quả công tác tuyển sinh và các hoạt động đoàn thể, thiện nguyện…, có lối sống lành mạnh, giữ gìn tư cách đạo đức nhà giáo được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh sinh viên thương yêu, tín nhiệm.
Những thành tích nổi bật của cô giáo Đỗ Thị Cẩm Vinh - Giải nhất hội giảng cấp tỉnh các năm 2017, 2019, 2021 - Giải khuyến khích hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018 - Giải ba hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 - 7 năm liền (từ năm học 2013-2014 đến nay) đạt thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng nhiều bằng khen của Bộ LĐ-TB-XH, UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh Phú Yên. |
TRẦN QUỚI
(https://baophuyen.vn/79/288525/chuyen-ve-co-giao-truong-nghe-duoc-vinh-danh.html)