Trường Cao đẳng nghề Phú Yên - tiền thân là trường Dạy nghề tỉnh Phú Yên được thành lập theo Quyết định số 1232/2001/UB-QĐ ngày 07/5/2001 của UBND tỉnh Phú Yên và chính thức đi vào hoạt động giảng dạy từ tháng 10/2001. Ngày 26/10/2006, UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định đổi tên trường thành: trường Trung cấp nghề Kỹ nghệ - Nghiệp vụ Phú Yên.
Trên cơ sở đó, ngày 03/7/2007 Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) ban hành Quyết định số 917/QĐ-BLĐTBXH quyết định thành lập trường Cao đẳng nghề Phú Yên trên cơ sở nâng cấp trường Trung cấp nghề Kỹ nghệ – Nghiệp vụ Phú Yên. Trường là một trong 15 trường trọng điểm quốc gia và là 30 trường dạy nghề chất lượng cao được Bộ LĐTB&XH đầu tư giai đoạn 2001 – 2005 và 2006 – 2010; là 30 cơ sở dạy nghề đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề năm 2010 ở cấp độ cao nhất.
Hiện nay, Nhà trường hoạt động theo Luật giáo dục Nghề nghiệp, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, dịch vụ có năng lực thực hành nghề tương ứng với 03 cấp trình độ: Cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề đáp ứng yêu cầu thị trường; bồi dưỡng và liên kết đào tạo nâng cao trình độ nghề cho người lao động; tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thực hiện sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khoa học kỹ thuật.
Những năm đầu mới thành lập, trường chỉ có 23 cán bộ, giáo viên với 03 phòng nghiệp vụ, 02 khoa và 03 tổ bộ môn. Qua quá trình hình thành và phát triển, trường đã dần lớn mạnh về cơ cấu tổ chức với: 05 phòng ban (Hành chính – Tổ chức, Đào tạo, Kế hoạch - Tài vụ, Công tác HSSV và Quan hệ doanh nghiệp, Thanh tra đào tạo); 07 khoa (Cơ bản, Điện – Điện tử, Cơ khí chế tạo, Cơ khí động lực, Công nghệ thực phẩm – Hóa dầu, Du lịch – Kinh tế, May – Thiết kế thời trang) và 02 trung tâm (Đào tạo lái xe, Dịch vụ và đào tạo thường xuyên). Đội ngũ cán bộ giáo viên của trường cũng không ngừng tăng lên cả về chất lượng và số lượng, trường hiện có: 129 cán bộ, giáo viên (trong đó nghiên cứu sinh: 02 người; thạc sỹ và đang học thạc sỹ: 24 người; đại học: 65 người; cao đẳng, trung cấp và thợ bậc cao: 38 người); chi bộ đảng có 21 đảng viên và 123 công đoàn viên.
Trong những năm qua, nhà trường được UBND tỉnh Phú Yên đầu tư hơn 21 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trên diện tích 4,7 ha (vị trí Đông Bắc TP. Tuy Hòa) bao gồm: Khu nhà làm việc, phòng học, hội trường; khu nội trú 500 chỗ, nhà nghỉ giáo viên, căn tin; xưởng sửa chữa ôtô, sân bãi tập lái xe. Bên cạnh đó, từ chương trình mục tiêu quốc gia thuộc dự án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” nhà trường được Bộ LĐTB&XH đầu tư gần 25,6 tỉ đồng và trường cũng dành một phần từ nguồn thu học phí trên 6 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các nghề như: Điện - Cơ khí chế tạo - Cơ khí động lực - Công nghệ thực phẩm - Lái xe ô tô, máy thi công công trình...vv…Hiện tại, nhà trường được đánh giá là cơ sở dạy nghề có trang thiết bị đào tạo nghề quy mô và hiện đại nhất tỉnh Phú Yên.
Song song với sự phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên và sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, số lượng học sinh của trường cũng tăng lên rõ rệt. Những năm đầu khi mới thành lập, nhà trường chỉ có 305 học sinh theo học 3 nghề đào tạo (Điện xí nghiệp dân dụng, Kỹ thuật hàn gò, Sửa chữa ô tô xe máy); đến nay, nhà trường đã duy trì được quy mô đào tạo hệ dài hạn là: 1.120 HSSV theo học 14 nghề hệ cao đẳng, 18 nghề hệ trung cấp. Ngoài ra, hằng năm trường còn đào tạo, bồi dưỡng trên 1.200 học sinh theo học các nghề hệ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên.
Nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề ngày càng cao của xã hội, kể từ năm 2004 nhà trường liên kết đào tạo với trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm Đà Nẵng, Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh,… đào tạo hơn 650 sinh viên các nghề: Công nghệ thực phẩm, Kiểm tra chất lượng sản phẩm thực phẩm ...; liên kết với Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đào tạo bậc đại học trên 300 sinh viên các ngành: Điện công nghiệp và Cơ khí động lực; cùng với Tổng cục Dạy nghề mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm bậc II, Sư phạm dạy nghề, các chuyên đề điện tự động PLC… dành cho giáo viên các trường trung học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh với trên 1.500 học viên. Bên cạnh đó, trường đã cử hàng trăm lượt giáo viên tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn thuộc các dự án GDKT… nhằm đào tạo nâng cao, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ giáo viên đáp ứng nhu cầu đào tạo trong giai đoạn mới hiện nay; liên kết với Học viện ERC Singapore đào tạo tiếng Anh 3 cấp trình độ (sơ cấp – trung cấp – cao cấp), Quản lý thức ăn & đồ uống, Quản lý du lịch & khách sạn. Tính đến cuối năm 2010, nhà trường đã cung cấp cho thị trường lao động trong tỉnh và các tỉnh lân cận 672 kỹ sư và công nhân kỹ thuật có tay nghề.
Về công tác xuất khẩu lao động, năm 2006 trường tổ chức đào tạo tiếng Hàn cho lao động đi xuất khẩu; đến năm 2010, có hơn 890 học viên tốt nghiệp và 178 lao động được lựa chọn (tính đến năm 2009) đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Qua 10 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề và liên kết đào tạo, nhà trường đã đào tạo được hơn 13.000 HSSV ở tất cả các hệ đào tạo và trong cuộc khảo sát gần nhất của trường, đã có hơn 85% HSSV sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm và thu nhập ổn định.
Đạt được những thành tích tích cực trên là nhờ được sự chỉ đạo thường xuyên kịp thời của UBND tỉnh, các sở ban ngành, đoàn thể trong tỉnh, Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Dạy nghề đã giúp trường vượt qua mọi khó khăn từng bước khẳng định mình và không ngừng phát triển đi lên. Thể hiện qua thành tích nhiều năm liền đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc, chi bộ đảng trong sạch vững mạnh, các đoàn thể được công nhận vững mạnh xuất sắc. Nhiều năm vinh dự được UBND tỉnh Phú Yên tặng Bằng khen; Bộ LĐTB&XH tặng Bằng khen năm 2005; Chính phủ tặng Bằng khen năm 2006. Đặc biệt năm 2008, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Hướng tới mục tiêu giai đoạn 2015 - 2020 phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo nghề tiên tiến, tiếp cận trình độ khu vực ASEAN; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ các yêu cầu phát triển của tỉnh Phú Yên và các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung bộ – Tây nguyên, trường Cao đẳng nghề Phú Yên đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt cấp cho trường một diện tích trên 20 ha tại xã An Phú (thành phố Tuy Hoà) để xây dựng cơ sở II. Bên cạnh đó, nhà trường được sự đầu tư từ nguồn vốn ODA do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ (kinh phí 1.543.268 USD): Dự án “Tăng cường kỹ năng nghề” đầu tư 2 nghề: Quản trị khách sạn và Kỹ thuật chế biến món ăn và Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm giai đoạn 2011 – 2020 đầu tư 4 nghề đạt trình độ cấp khu vực và quốc gia (kinh phí 165 tỷ): Quản trị Resort, Quản trị lễ tân, Cơ điện tử và Quản trị nhà hàng tập trung đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề phát triển cơ sở II. Với việc đầu tư trên sẽ tạo điều kiện rất tốt để nhà trường phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% giảng viên có trình độ sau đại học, 5% có trình độ tiến sĩ và nâng qui mô đào tạo lên 4.000 HSSV; qua đó từng bước xây dựng được “Thương hiệu” và trở thành địa chỉ tin cậy về công tác đào tạo nghề trong khu vực.
Để phát huy những kết quả đạt được và trách nhiệm mới được giao, tự hào là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trường Cao đẳng nghề Phú Yên; tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bộ LĐTB&XH về nhiệm vụ năm học của ngành dạy nghề: “Đột phá về chất lượng dạy nghề”, tập thể trường nguyện ra sức phấn đấu hơn nữa để đạt nhiều thành tích cao trong công tác, lao động, học tập và rèn luyện góp phần tô thắm lịch sử truyền thống vẻ vang của trường. Tập trung mở rộng các ngành nghề đào tạo theo các dự án “Tăng cường kỹ năng nghề”, “Đổi mới và phát triển dạy nghề” như: Quản trị nhà hàng, Quản trị khách sạn, Cơ điện lạnh thủy sản, ... và phối hợp với doanh nghiệp đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp. Đào tạo nguồn nhân lực ở các cấp trình độ từ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp đạt trình độ tay nghề cao và trình độ tiếng Anh giỏi, đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong nước và xuất khẩu lao động./.