Tin tức

Lợi kép khi vừa học văn hóa, vừa học nghề

10:34 | 30/09/2020
Chủ trương vừa học văn hóa vừa học nghề đối với học sinh tốt nghiệp THCS được các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp triển khai đã mang lại giá trị không nhỏ, bởi không chỉ giúp học sinh THCS nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, mà còn góp phần phân luồng học sinh sau trung học.

 

Học sinh tốt nghiệp THCS học nghề điện tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: THÚY HẰNG

 

Vừa có nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT

Trường cao đẳng Nghề Phú Yên vừa tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng cho 188 học sinh, sinh viên. Trong gần 150 học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp thì có 74 học sinh đạt “mục tiêu kép” đó là đỗ tốt nghiệp trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Em Nguyễn Ngọc Trường ở xã An Cư (huyện Tuy An), tốt nghiệp trình độ trung cấp nghề Kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính cho hay: Khi vào học nghề em chưa có bằng tốt nghiệp THPT. Trong quá trình học nghề em đồng thời học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT do trường tổ chức. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa qua, em tham gia thi hệ GDTX, kết quả môn Toán 9 điểm, Ngữ văn 6,75 điểm, Vật lý 7,75 điểm, Hóa học 7,5 điểm, Sinh học 6,5 điểm. Vậy là sau 3 năm theo học trung cấp, em đã có bằng trung cấp và bằng tốt nghiệp THPT.

Cầm tấm bằng tốt nghiệp trung cấp nghề Quản trị khách sạn, em Bùi Thị Kim Loán ở phường 9, TP Tuy Hòa, phấn khởi chia sẻ: Năm 2016, em tốt nghiệp THCS. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em không tiếp tục học lớp 10 mà đi phụ bán quán ăn để kiếm tiền chia sẻ khó khăn với ba mẹ. Sau gần một năm đi làm em nhận ra mình cần có một cái nghề để lập nghiệp về sau nên em đi học nghề tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Trong quá trình học trung cấp em tham gia học chương trình GDTX cấp THPT. Vừa qua em tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT với điểm môn Toán 7,8, Văn 4,5, Lịch sử 6,5 và Địa lý 7 điểm. Có bằng tốt nghiệp THPT nên em tiếp tục học liên thông lên cao đẳng.

Thực tế đào tạo tại các trường trung cấp, cao đẳng cho thấy, lợi ích lớn nhất đối với học sinh sau THCS khi vừa học nghề vừa học văn hóa là sau 3 năm học ra trường, học sinh có trong tay bằng trung cấp và bằng tốt nghiệp THPT thay vì phải mất 3 năm học THPT cộng với 2 năm học nghề.

ThS Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết: Lâu nay, học sinh học nghề thường ngại học văn hóa. Tuy nhiên, học chương trình văn hóa GDTX cấp THPT các em chỉ học 7 môn bắt buộc, gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Sinh học, Lịch sử, Địa lý thay vì 12 môn như các bạn học ở trường THPT. Điều này giúp các em tiết kiệm thời gian để tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT và rèn kỹ năng nghề. Mặt khác, học sinh THCS học nghề được miễn 100% học phí học chương trình GDTX cấp THPT và trung cấp. Trong thời gian học nghề, học sinh được thực hành với khối lượng 70% số giờ học; được đi thực tập đúng với ngành nghề đào tạo. Sau khi tốt nghiệp trung cấp, các em được xét tuyển học thêm 1 năm cao đẳng theo đúng chuyên ngành đã học và được tiếp tục liên thông lên đại học nếu có nhu cầu.

Hút lao động qua đào tạo nghề

Với phương châm lấy người học làm trung tâm, đào tạo gắn liền với thực tế, các trường cao đẳng Nghề Phú Yên, cao đẳng Công Thương Miền Trung, cao đẳng Y tế Phú Yên đã đưa những mô hình đào tạo tiên tiến, hướng đến chuẩn quốc tế, quốc gia, ASEAN vào trường học. Những kỹ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm hoặc thông qua các hình thức thực hành, thực tập trực tiếp tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… giúp người học được rèn luyện, cọ xát với thực tế.

Nhờ vậy, hiện nay đã có không ít học sinh sau THCS, THPT chọn học nghề, nhất là ngay khi Bộ GD-ĐT cho phép học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể vào học trình độ trung cấp đã mở ra nhiều cơ hội học tập cho các em. “Phương thức học tập này giúp các bạn trẻ vừa học nghề vừa học văn hóa, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho gia đình. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo nghề còn gắn liền với thực tiễn, các ngành học không nặng về lý thuyết mà chú trọng thực hành để người học ra trường có thể làm việc ngay, cơ hội nghề nghiệp rộng mở”, TS Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung nói.

Theo ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), các trường trung cấp, cao đẳng hiện đang chiếm ưu thế trong các lĩnh vực cung ứng nhân lực du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các trường nghề không đủ học sinh, sinh viên để giới thiệu cho doanh nghiệp do số lượng tuyển sinh thấp hơn nhiều so với nhu cầu tuyển dụng. Từ chủ trương được “học kép” (vừa học văn hóa vừa học nghề hệ 9+) cùng với việc các trường làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS sẽ giúp học sinh nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, có định hướng tương lai rõ ràng, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của các trường nghề. 

Nguồn Báo Phú Yên Online, tác giả Thúy Hằng

http://www.baophuyen.com.vn/79/245436/loi-kep-khi-vua-hoc-van-hoa-vua-hoc-nghe.html

 

Các tin khác