Đây là những thông tin được đại diện Bộ GDĐT chia sẻ tới học sinh và phụ huynh trước khi chính thức diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2018 vào tháng 6 tới.
Đề thi không đánh đố học sinh
Theo TS Sái Công Hồng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT), đề thi của kỳ thi THPT quốc gia phải gắn với hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và sử dụng dữ liệu để xét tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Vì thế đề thi sẽ bao gồm 60% là kiến thức cơ bản và 40% là kiến thức nâng cao. 2018 cũng là năm đầu tiên đề thi THPT quốc gia mở rộng phần kiến thức ra lớp 11.
Đại diện Bộ GDĐT cũng bật mí thêm cho thí sinh một số thông tin về đề thi: Đối với các môn khối Khoa học Tự nhiên như Vật lý, Hóa học, Sinh học, phần câu hỏi khó sẽ nghiêng bản chất như hiện tượng vật lý, hóa học, không phải về tính toán. Đề thi cũng sẽ có câu hỏi về thí nghiệm và thực hành để dần tiếp cận phù hợp với chương trình SGK mới trong thời gian tới, nhưng theo lộ trình từ ít đến nhiều để tránh gây sốc cho học sinh.
Với môn Toán, đề thi năm nay sẽ bắt đầu xuất hiện một số câu hỏi về lý thuyết Toán để học sinh hiểu bản chất vấn đề, đánh giá năng lực Toán học của học sinh.
Với kinh nghiệm làm công tác đề thi, TS Sái Công Hồng đưa ra lời khuyên: Học sinh chỉ cần tập trung vào ôn tập kiến thức cơ bản trong SGK. Thứ hai, trong quá trình làm bài cần tránh bị sai sót ở những câu hỏi dễ dàng, để mất điểm đáng tiếc. Còn nếu thí sinh muốn đạt điểm cao, có thể dành thời gian ôn tập thêm, nhưng cũng chỉ cần đào sâu từ chương trình SGK. Bởi đề thi sẽ không mang tính đánh đố học sinh.
Đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ không đánh đố thí sinh.
Ở đâu có thi, ở đó có áp lực
Liên quan đến việc đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ bao gồm cả kiến thức lớp 11, nhiều học sinh và giáo viên đều cho rằng việc này khiến công tác ôn tập thêm vất vả, tăng áp lực thi cử.
Ngoài ra, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, đề thi được đánh giá là có tính phân hóa chưa cao, xảy ra tình trạng “mưa điểm 10”. Rút kinh nghiệm, theo như đề thi tham khảo mà Bộ vừa công bố, mức độ câu hỏi khó lại tăng lên khá cao. Điều này khiến sĩ tử lo lắng, đổ xô đến các lò luyện.
Về điều này, ông Sái Công Hồng chia sẻ, câu chuyện luyện thi, học thêm là vấn đề muôn thuở. Ở nước nào có thi thì cũng phải có học và ôn luyện. Tuy nhiên nếu so sánh, khi chuyển từ hình thức ra đề thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm, thì tình trạng dạy, học thêm đã giảm đi rõ rệt.
Việc Bộ công bố đề thi tham khảo là có hai mục đích, ngoài việc định hướng các dạy và học, còn nhằm lắng nghe các ý kiến phản hồi tư học sinh, phụ huynh để tổ ra đề có hướng điều chỉnh phù hợp hơn với năng lực học sinh.
“Chúng tôi biết có thi là có áp lực, không chỉ với học sinh mà cả phụ huynh. Tuy nhiên mọi người cứ yên tâm, đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ không ở mức đánh đố. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK là có thể đạt điểm cao” - TS Sái Công Hồng khẳng định.
Nguồn laodong.vn